Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Sau khi Bộ GD-ĐT quyết định dừng tuyển sinh đối với 207 ngành đào tạo ĐH, hàng loạt trường đã cấp tập làm giải trình, báo cáo bổ sung đội ngũ, đề nghị được tuyển sinh trở lại ngay.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT - cho hay: “Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo giải trình của gần 30 trường kèm theo minh chứng với đề nghị được tuyển sinh trở lại khoảng 100 ngành đào tạo. Kết quả rà soát lại báo cáo của các trường lần này vẫn cho thấy số lượng giảng viên “ảo” không ít và có hiện tượng một giáo sư, tiến sĩ đứng tên làm giảng viên cơ hữu ở 2-3 trường”.
Tạo điều kiện cho những ngành đặc thù
Ngay cả những ngành được coi là thế mạnh của một số trường có truyền thống và lịch sử phát triển lâu đời, đội ngũ giảng viên cơ hữu vẫn còn mỏng, không đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu theo quy định làm bằng đại học.
Nhiều trường khối văn hóa - nghệ thuật cho rằng phán quyết của bộ không thỏa đáng “vì có vẻ bộ không hiểu ngành đặc thù”. Liệu bộ có thay đổi quyết định để chứng minh mình “hiểu rõ các ngành đào tạo, trong đó có các ngành đặc thù”?
Trên thực tế, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT và đại diện hai Bộ cũng đã trực tiếp làm việc, trao đổi rất kỹ về điều kiện đào tạo, tuyển sinh của một số ngành thuộc khối Văn hóa Nghệ thuật. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng đội ngũ giảng viên của một số ngành đào tạo nghệ thuật có trình độ sau ĐH hiện còn ít, thậm chí có ngành rất hiếm là thực trạng chung trong toàn quốc.
Theo đề nghị của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ GD-ĐT đã có công văn về việc cho phép áp dụng linh hoạt các điều kiện đặc thù của ngành để đảm bảo đủ số giảng viên cơ hữu trong giai đoạn quá độ từ năm 2014-2017, tạo điều kiện cho các trường có đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù có thời gian kiện toàn đủ đội ngũ theo quy định chung. Theo đó, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tính giảng viên cơ hữu với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành đã nghỉ hưu, có hợp đồng dài hạn, làm việc toàn phần với cơ sở đào tạo. Thực tế, cách tính giảng viên cơ hữu này trước đây chỉ áp dụng cho khối các trường ngoài công lập, nhưng nay sẽ tạm thời cho phép các trường nghệ thuật công lập cũng được vận dụng.
Ngoài ra, các ngành nghệ thuật cũng được tính giảng viên cơ hữu đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành có tham gia giảng dạy dù đang công tác ở cơ quan khác, nhưng được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan đang công tác tạo điều kiện thời gian để tham gia giảng dạy với mức tính tối đa bằng 50% giảng viên cơ hữu. Trường hợp giảng viên là giáo sư, tiến sĩ ở ngành gần có ít nhất hai công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến ngành, chuyên ngành giảng dạy cũng được tính là giảng viên cơ hữu.
Không riêng gì các ngành nghệ thuật, mà nhiều ngành Ngôn ngữ cũng cho rằng mình cần được ứng xử với cơ chế riêng. Sẽ có ngoại lệ nào dành cho các ngành này không, thưa ông?
Cũng như đối với một số ngành thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật, Bộ GD-ĐT cũng chấp nhận áp dụng giải pháp linh hoạt huy động giảng viên cơ hữu đối với các trường trong giai đoạn quá độ từ 2014-2017 là các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ giảng dạy dài hạn tại các trường làm bằng đại học. Các giáo sư, tiến sĩ ngành gần nhưng có công trình nghiên cứu liên quan đến ngành Ngôn ngữ giảng dạy cũng được tính là giảng viên cơ hữu.
62 ngành đại học được tuyển sinh trở lại

Liệu có giơ cao đánh khẽ?
Vậy với những ngành không phải đặc thù, bộ dựa vào căn cứ nào để cho phép tuyển sinh trở lại?
Ngành được tuyển sinh trở lại phải đảm bảo đáp ứng điều kiện về giảng viên theo quy định. Trường muốn tuyển sinh trở lại ngành nào đó phải có báo cáo, giải trình kèm theo minh chứng cụ thể về từng giảng viên. Bộ GD-ĐT kiểm tra, rà soát và có công văn trả lời nhà trường. Thực tế một số trường đã nộp báo cáo trước đây thiếu chính xác, báo cáo không đầy đủ hoặc nhầm lẫn về số liệu giảng viên nên đã báo cáo lại. Các trường hợp này bộ đã kiểm tra, rà soát theo đúng quy trình.
Thời gian qua, có trường đã sắp xếp, cân đối lại đội ngũ giảng viên giữa các ngành đào tạo, cũng có nhiều trường đã tuyển dụng hoặc bổ sung được giảng viên có trình độ theo yêu cầu. Những trường báo cáo bổ sung đội ngũ so với trước bắt buộc phải có minh chứng hợp lệ như quyết định tuyển dụng nếu tuyển giảng viên mới hoặc văn bằng nếu giảng viên vừa tốt nghiệp trình độ theo yêu cầu. Trên cơ sở báo cáo lần hai của các trường, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét từng ngành cụ thể để cho phép tiếp tục tuyển sinh trở lại ngay. Qua rà soát đã xuất hiện giảng viên ký hợp đồng làm giảng viên cơ hữu cùng lúc ở nhiều trường khác nhau, trường hợp này bộ chưa chấp nhận.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét